Trung Quốc bỏ yêu cầu hãng ôtô nước ngoài phải liên doanh
Quy định các hãng xe nước ngoài phải thành lập liên doanh mới được phép hoạt động tại Trung Quốc sẽ được xóa bỏ từ 1/1/2022. Không còn bị trói buộc, các hãng ôtô nước ngoài sẽ được phép hoàn toàn tự chủ khi sản xuất và kinh doanh tại quốc gia Đông Á. So với chính sách cũ hạn chế quyền sở hữu trong liên doanh, sắp tới các hãng nước ngoài sẽ được tự do đầu tư ở thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Sự thay đổi cũng kèm theo việc gỡ bỏ hạn chế rằng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể lập tối đa hai liên doanh ở Trung Quốc. Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cùng Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đưa ra quyết định trên sau một năm ra thông báo xem xét về chính sách mới. Nhà máy liên doanh giữa Volkswagen và SAIC tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Volkswagen Hiện chính phủ Trung Quốc vẫn giữ lại một danh sách ở mọi lĩnh vực trong đó các hãng nước ngoài đầu tư tỷ lệ tối đa 50% trong các liên doanh tại nước này, thay vì sở hữu hoàn toàn. Ngành công nghiệp ôtô có vị trí trong danh sách này từ 1994. Năm 2018, Tesla được đặc cách xây dựng một nhà máy toàn quyền sở hữu, trong bối cảnh Trung Quốc nới lỏng quy định tối đa quyền sở hữu tới 70%, cho phép BMW nắm quyền kiểm soát trong liên doanh nhiều rắc rối Brilliance. Thông báo cũng mang lại sự tự do cho những thương hiệu mới như Rivian và Lucid nhằm kiếm đường vào thị trường ôtô lớn mà không cần bắt tay với các đối tác bản địa. Chính sách mới còn cho phép những thương hiệu nước ngoài như Volkswagen, Ford, GM và Mercedes “vùng lên” ở những liên doanh hiện nay, đồng nghĩa việc nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, nắm nhiều công nghệ hơn cũng như kiếm nhiều lợi nhuận hơn. Hiện 5 hãng ôtô lớn nhất Trung Quốc, gồm SAIC, FAW, BAIC, Dongfeng và Shangan đều tham gia liên doanh với các thương hiệu nước ngoài. Các liên doanh từ SAIC sản xuất và bán xe Volkswagen, Skoda, Buick, Chevrolet và Iveco, trong khi SAIC sở hữu một loạt thương hiệu riêng như Maxus, Roewe, Yuejin và thương hiệu từng của Anh, MG. SAIC xuất khẩu xe MG ngược trở lại Anh, cũng như bán ra tại nhiều quốc gia khác. Dongfeng – hãng có trụ sở tại Vũ Hán – liên doanh với Cummins, Dana, Honda, Nissan, Renault, Kia và Stellantis. Mẫu Avalon tại Trung Quốc được sản xuất bởi liên doanh Toyota và FAW. Ảnh: Flickr FAW sản xuất cho một loạt thương hiệu, gồm Volkswagen, Mazda, Toyota, Audi và GM, trong lúc sở hữu những thương hiệu riêng gồm Hongqi, Jilin, Jiaxing, Haima và một số thương hiệu nội địa khác. Ford lập liên doanh với Changan, giống Suzuki, Mazda và Stellantis. Trong khi BAIC bắt tay với Mercedes và Hyundai. Ngoài ra, một số hãng xe thuộc sở hữu nhà nước khác, gồm Chery và GAC cũng góp mặt trong các liên doanh. Nhưng ở Trung Quốc lúc này, những ngôi sao đang lên trong ngành lại có xu hướng độc lập tự chủ. BYD nổi lên trong năm nay, với khoản đầu tư từ tỷ phú Warren Buffet, và còn có Great Wall, Nio và XPeng. Nhưng ngôi sao lớn nhất trong số đó là Geely. Geely sản xuất xe cho Geely, cũng như Link&Co, và đã thực hiện chiến lược mua lại những thương hiệu toàn cầu như Lotus, Proton, Volvo và Polestar. Trong khi đó, nhà sáng lập của Geely, Lý Thư Phúc, sở hữu 9,6% cổ phần tại Daimler, hãng mẹ của Mercedes. Mỹ Anh (theo Forbes) Nguồn: VnExpress
Leave a Reply